Việc hòa nhập vào nền văn hóa mới là điều không thể thiếu với các du học sinh khi đi du học nước ngoài. Nếu không hòa nhập được bạn sẽ dễ bị những cú sốc văn hóa và ảnh hưởng đến việc học tập cũng như cuộc sống nơi đất khách quê người. Tuy nhiên thế nào là đủ, để vừa du nhập vừa giữ được lại những bản chất của mỗi người là điều không dễ. Bạn hãy nhớ nhé, mọi thứ cần phải tiết chế.
Tham gia các bữa tiệc có chừng mực
Tích cực mở rộng mối quan hệ trong cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và sinh viên quốc tế là một điều tốt. Nhưng sẽ còn đáng hoan nghênh hơn nữa nếu trong những bữa tiệc đó, bạn không bị quá đà chạy theo một xu hướng của đám đông mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc trong lối sống và suy nghĩ của mình. Hãy làm chủ mọi hành động và lời nói, đặc biệt nhớ tới nguồn gốc cội nguồn của bản thân nhé.
Các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa tham gia thế nào?
Những câu lạc bộ hay hoạt động ngoại khóa của trường và hội sinh viên, bất luận là về chủ đề gì hay được tổ chức ở đâu, đều là những cơ hội tuyệt vời để hòa nhập mà khó xuất hiện nỗi lo hòa tan. Vừa có thêm nhiều người bạn cùng sở thích, lại trau dồi thêm được vốn kiến thức. Tuy nhiên cần khách quan để biết nên tham gia hoạt động nào có ích và hoạt động nào không phù hợp. Bạn đừng tặc lưỡi cứ thử đi cái đã đấy nhé.
Kết bạn với gia đình bản địa thế nào?
Kết bạn và trở nên thân thiết với một gia đình bản địa sẽ là một phương án vô cùng hữu hiệu và an toàn. Không chỉ được bù đắp tình cảm gia đình, hiểu biết thêm về văn hóa ẩm thực địa phương, mà còn được những lời khuyên chân thành từ phía các bậc phụ huynh nữa.
Hòa nhập vào một thế giới hoàn toàn khác biệt là một kỹ năng mà ai cũng cần học, đặc biệt là du học sinh. Nhưng quan trọng hơn cả là bản lĩnh của chúng ta như thế nào để tiếp nhận tinh hoa của thế giới mà vẫn giữ được giá trị của nhân loại. Hãy chọn những phương án phù hợp nhất với bản thân để hòa nhập mà không bị hòa tan bạn nhé. Cố gắng tìm hiểu và hòa hợp được với những văn hóa của người bản địa, nhưng bạn hãy nhớ cái tôi cá nhân cũng rất quan trọng. Nó tạo nên bản sắc của mình, con người mình. Vì vậy cũng nên để cho người bản địa cảm nhận được những cái rất riêng của mình, chứ đừng uốn mình theo họ mọi thứ.
Với cuộc sống tập thể hãy “tôn trọng sự khác biệt” bằng cách sống chung với “điều khó chịu”
Đối với những bạn “share” phòng (cùng góp tiền thuê một phòng): Vì phải cùng chia sẻ một không gian sinh hoạt chung như bếp, phòng khách… với các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên những va chạm do sự khác biệt về thói quen, tập tục và tôn giáo là không tránh khỏi.
Ví dụ như, những ai đến từ các nước Hồi giáo thường khép kín và rất ngại khi bạn cùng phòng dẫn bạn khác giới về chơi. Họ thường có những buổi cầu nguyện nên cần yên tĩnh, hay chỉ ăn những loại thịt không máu. Ngược lại, những người đến từ các nước phương Tây thì lại thích những buổi party sôi động, coi trọng sự riêng tư cá nhân và môi trường sống sạch sẽ.
Họ không hài lòng với việc nấu nướng những món ăn nhiều mùi và dầu mỡ như cá chiên, món kho, sầu riêng, và dĩ nhiên là các món mắm. Đôi khi, họ sẽ yêu cầu bạn sử dụng bếp ngoài trời để nấu ăn vì không chịu được khói và mùi thức ăn trong nhà. Chính vậy, nếu không tôn trọng và nhường nhịn nhau, rất dễ xảy ra mâu thuẫn.
Nhưng nếu tập sống chung với những điều tưởng chừng rất “khó chịu” đó, dần dần những điều thú vị sẽ đến và chúng ta được biết rất nhiều về văn hóa các nước mà không tốn chi phí cho những chuyến du lịch xa. Với những du học sinh ở “homestay” hay với người thân: Khi ở cùng với người Việt, bạn cũng không thể tránh khỏi việc phải thay đổi bản thân để thích nghi với nếp sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.