Kỳ thi HSC (Higher School Certificate) là kỳ thi tốt nghiệp trung học ở Úc. Đây là kỳ thi quan trọng vì nó quyết định rất nhiều về tương lai sự nghiệp của một học sinh. Bắt đầu năm học lớp 12, học sinh Úc được quyền chọn những môn học mà mình yêu thích để dự thi HSC. Có khoảng 115 môn học để học sinh lựa chọn trong đó có cả môn ngoại ngữ tiếng Việt. Mỗi học sinh phải ghi danh thi tối thiểu là 12 tín chỉ để có bằng HSC. Ví dụ nếu như bạn không giỏi về toán, nhưng giỏi về sinh học, thì bạn nên chọn sinh 3 units + hóa 2 units + lí 2 units + toán 2 units + Anh văn 2 units + môn khác 1 unit = 12 units. Thường những du học sinh Việt Nam học cấp 3 tại Úc sẽ lựa chọn những môn thiên về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Vi tính… để dễ đạt được điểm cao trong kỳ thi HSC. Bởi học sinh từ Việt Nam thường giỏi các môn tự nhiên, nhất là Toán nên có học sinh chọn đến 4 tín chỉ về Toán (Mathematics General, Maths, Maths Extension 1 & 2) và 8 tín chỉ khác. Các tín chỉ toán gồm (Toán phổ thông: dành cho các thí sinh không có khiếu làm toán, khi đi thi họ được phép dùng máy tính; Toán 2 unit: dành cho các em khá hơn, biết giải phương trình bậc hai, bậc ba, ứng dụng toán trong thực tế; Toán 3 unit: dành cho các em có trình độ toán trên trung bình, và chương trình học đi sâu vào lượng giác, đạo hàm, tích phân, v.v… Toán 4 unit: dành cho các em giỏi toán, chương trình học khá nặng như số phức ( complex number ), hình học không gian, tích phân và ứng dụng tích phân, v.v… Tuy nhiên, Anh văn là môn bắt buộc tối thiểu 2 tín chỉ. Môn học này là môn học về văn chương nên khá khó đối với du học sinh Việt nếu vốn tiếng Anh chưa tốt.
Trung bình, mỗi môn thi đều có khoảng 40 câu hỏi, từ dễ nhất đến khó nhất. Chẳng hạn như thi môn toán 2 units thí sinh có thể gặp những câu hỏi dễ như … cách tính phân số! Người ta lí giải rằng cách ra đề thi như thế công bằng hơn là tập trung vào 5, 6 câu khó như ở Việt Nam hay làm. Bài thi của mỗi thí sinh sẽ do 3 người chấm điểm một cách độc lập. Nếu có khác biệt (hiếm, nhưng có) thì phải có người đứng ra dàn xếp. Do đó, điểm từng môn của thí sinh có thể nói là chính xác và công bằng.
Tuy nhiên, điểm tổng số HSC không chỉ đơn thuần là điểm thi, mà là tổng số của 3 điểm: (A) Điểm thi HSC; (B) Điểm lúc theo học 2 năm cuối trung học, tức là điểm trong các kì test mỗi kì học trong năm; (C) Điểm trong kì thi thử. Ở Úc, trước khi thi HSC thật, thí sinh phải qua một kì thi thử (gọi là trial examination) mà theo đó thí sinh thi như thật, nhưng chỉ thi tại trường, với đề thi do một nhóm thầy cô độc lập ra đề. Ba điểm thi này được chiếm tỉ lệ khác nhau (Vd như: điểm A chiếm 50%, điểm B 25%, và điểm C 25%). Ba điểm này phải qua một mô hình phân tích thống kê để tính điểm tổng số. Điểm tổng số này rất phức tạp vì mô hình còn xem xét trường mà thí sinh xuất thân. Chẳng hạn như thí sinh có thể có điểm B tốt nhưng vì điểm trung bình của trường mà em theo học thấp thì hệ số sẽ bị giảm xuống thấp hơn so với thí sinh có điểm B tốt và điểm trung bình của trường cũng tốt. Tóm lại, điểm của thí sinh còn phải phân tích với điểm trung bình của trường mà họ theo học để đánh giá thực tài của thí sinh.
Tại Úc, các trường đại học sẽ dựa vào kết quả của kỳ thi này để nhận sinh viên vào học. Xong kì thi HSC, mỗi học sinh có một điểm tốt nghiệp từ 0 đến 100. Trường đại học căn cứ vào nhu cầu họ công bố điểm vào để tuyển học sinh. Chẳng hạn như muốn vào học ngành thương mại của trường UNSW thì thí sinh phải có ít nhất là 95 điểm, còn trường khác cũng ngành thương mại nhưng chỉ đòi hỏi 80 điểm. Quyết định ghi danh trường nào là quyết định của thí sinh. Thí sinh có quyền ghi danh 5 trường khác nhau, và trường nào tuyển thì họ thông báo.
Thời gian gần đây, ở Australia đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận quanh chuyện cải cách chương trình giảng dạy. Để bắt kịp sự phát triển của xã hội cũng như thế giới, học sinh – sinh viên sẽ cần kiến thức sâu rộng và phát triển các kỹ năng mềm dựa trên nền tảng tri thức đó.
Lớp trẻ sẽ phải biết cách làm việc chăm chỉ một mình và cộng tác theo nhóm. Các em cũng cần biết tận dụng những sáng tạo mới nhất của công nghệ. Tôi nghĩ không chỉ học sinh hay sinh viên, về khía cạnh nào đó, các giáo viên giỏi nhất cũng không tránh khỏi chuyện bị ám ảnh về tương lai. Họ biết những nỗ lực tốt nhất của họ sẽ không chỉ được nhìn thấy qua các học sinh giỏi học tập ở trường học, mà còn qua cả cuộc sống của các em ở nhiều năm sau đó. Thách thức dành cho thầy cô đơn giản là sự công nhận rằng thế giới đang thay đổi nhanh chóng và vì thế, các trường cũng phải thay đổi.
Thay đổi để mang lại sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai các em, để các em vững vàng đối mặt với sự phức tạp hơn trong một thế giới đòi hỏi khắt khe hơn. Vì lý do này, ngành giáo dục Australia đã rất thiện chí khi tỏ ra sẵn sàng lắng nghe các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để cải thiện kết quả dạy và học. Mô hình giáo dục cũ tuy có những giá trị bất biến nhưng cũng cần linh hoạt theo nhu cầu xã hội. Môi trường làm việc mới là nơi học tập suốt đời. Và trường học là nơi thiết lập nền tảng cho hành trình học tập không ngừng nghỉ đó.