Cuộc sống du học sẽ thuận tiện và đơn giản hơn nhiều khi bạn sở hữu những thẻ thanh toán tại Úc. Không chỉ tiện dụng, nó còn giúp cho bạn tiết kiệm tối đa chí phí du học của mình. Sau đây là những loại thẻ mà bạn không thể không có khi đặt chân đến Úc với giấc mơ du học.
- Thẻ điện thoại
Không giống như các nước châu Á khi điện thoại di động được coi là món đồ thời trang thể hiện tính sành điệu của người sở hữu, người dân Úc xài điện thoại một cách thực dụng và chỉ coi đó là phương tiện hữu ích mà thôi. Nhiều người sẽ cảm thấy lạ khi thấy dân Úc vẫn xài những chiếc điện thoại “cổ lỗ sĩ” đã ra đời cách đây từ 5-6 năm. Thế nên, nếu như bạn đã có một chiếc điện thoại đang sử dụng tại Việt Nam, bạn có thể mang nó theo mà không cần thiết phải mua một chiếc mới. Nhưng nếu cần, bạn cũng có thể mua điện thoại ở bên này với giá cả tương đối rẻ, chất lượng lại đảm bảo với giá thấp nhất từ AUD 60-70.
Phần lớn các sinh viên tại Úc sử dụng mạng điện thoại di động của nhà cung cấp dịch vụ Optus. Một số khác lại sử dụng mạng đi động của Vodaphone (www.vodafone.com). Với mạng điện thoại của Optus (www.optus.com.au), bạn nên dùng loại dịch vụ trả trước bằng cách mua thẻ nạp tiền với nhiều mệnh giá khác nhau. Tùy vào mục đích sử dụng mà khách hàng có ba lựa chọn. Với “free calls”, khi nạp thẻ có mệnh giá thấp nhất AUD 30, bạn sẽ nhận thêm được 300 phút gọi miễn phí trong thời hạn 2 tháng, và sẽ hết hạn trong 6 tháng. Với “turbo charge”, khi nạp thẻ AUD 30 hoặc AUD 50, số tiền trong tài khoản sẽ tăng lên tương ứng AUD 120 hoặc AUD 300 với thời hạn một tháng. Còn với “new text 18 ¢ talk”, cứ mỗi tin nhắn hoặc 30 giây gọi, bạn chỉ phải trả 18 cent thay vì 37 cent như những cuộc gọi thông thường. Nhìn chung, giới sinh viên thường dùng loại “free calls”. Lần đầu hòa mạng, sim điện thoại sẽ được tặng không khi bạn mua thẻ 30 AUD. Hãy đọc hướng dẫn kích hoạt tài khoản sử dụng trong bộ “sim pack” và nhớ số hộ chiếu, địa chỉ nơi ở của mình để còn khai báo với tổng đài.
Với điện thoại công cộng hay điện thoại cố định, thay vì tính cước theo thời gian, nước Úc lại tính cước theo cuộc gọi. Bạn chỉ cần bỏ 50 cent vào trong điện thoại công cộng là có thể ‘buôn’ cả ngày với một máy thuê bao cố định khác với điều kiện phải cùng mã vùng. Còn nếu gọi tới một thuê bao di động, cước cuộc gọi sẽ tính như bình thường là khoảng 50 cent/30 giây.
Nếu có nhu cầu gọi về Việt Nam thường xuyên, bạn nên mua một chiếc thẻ mệnh giá 10 AUD có thời lượng sử dụng từ 150-200 phút với thời hạn là ba tháng. Hãy đọc mặt sau của thẻ để biết cách sử dụng. Vậy còn chần chừ gì nữa mà không gọi điện báo tin cho gia đình là bạn đã sang tới Úc an toàn. Chỉ cần bấm: +84 – mã vùng bỏ chữ số 0 ở đầu (đối với thuê bao cố định, còn với di động thì không cần bấm mã vùng) – số điện thoại cần gọi là bạn có thể liên lạc được với gia đình rồi.
Nếu bạn dự định ở một năm và và muốn chọn gói cước điện thoại trong khoảng từ 30 đến 80 đô la một tháng, bạn có thể chọn mua một cái điện thoại thông minh. Một số điện thoại thông minh có thể hoạt động với hai thẻ nhớ cùng một lúc.
- Thẻ ngân hàng
Thẻ VISA và MASTER rất tiện dụng và phổ biến cho du học sinh, đặc biệt trong việc mua sắm tại các cửa hiệu và trên internet. Với thẻ ngân hàng, sinh viên hoàn toàn yên tâm tiền sẽ không bị ăn cắp. Nếu bạn mang tiền bên mình khả năng mất sẽ rất cao, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu như có người muốn lấy cắp. Thẻ không chỉ là giải pháp tốt nhất mà còn là phương thức thanh toán tối ưu khi bạn đóng học phí, mua đồ…
Ở Úc có một số ngân hàng lớn như Commonwealth Bank, ANZ Bank, NAB, HSBC, Westpac, St. George. Du học sinh từ Việt Nam đa số dùng ngân hàng Commonwealth Bank và ANZ. Theo nhận định của nhiều du học sinh thì Commonwealth Bank là ngân hàng uy tín nhất, có phí chuyển tiền thấp mà lại khá nhanh trong vòng 24h. Một điểm thuận lợi là hầu hết các trường đại học Úc đều có chi nhánh và máy rút tiền tự động của Commonwealth Bank nên dễ dàng cho các sinh viên rút và gửi tiền. Là sinh viên du học Úc, bạn sẽ được ưu tiên mở tài khoản Complete Access. Với ngân hàng này bạn sẽ không phải mất lệ phí duy trì thẻ hàng tháng, không mất phí khi rút tiền, thậm chí bạn cũng không mất đồng nào khi chuyển tiền cho tài khoản khác cùng ngân hàng.
Trước khi đến Úc, bạn hãy mở trước 1 tài khoản để khi bạn đến Úc, tiền đã có sẵn trong tài khoản nhé. Hầu hết các ngân hàng có dịch vụ đăng ký mở tài khoản trên website thông qua đơn đăng ký online. Bạn chỉ cần cung cấp thông tin số hộ chiếu khi làm thủ tục. Khi đơn đăng ký của bạn được duyệt, bạn sẽ được thông báo và được cung cấp thông tin chi tiết về số tài khoản. Ngay khi bạn đến Úc, bạn sẽ đến ngân hàng và đưa cho họ hộ chiếu của bạn để có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng. Lúc này, bạn cũng sẽ nhận được 1 thẻ ghi nợ kết nối với tài khoản của mình và bạn cũng có thể đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử và qua điện thoại.
Nếu bạn mở tài khoản sau khi đến Úc thì bạn phải có thẻ học sinh. Nếu trường hợp bạn chưa có thẻ học sinh thì dùng giấy báo nhập học hoặc xuất trình hộ chiếu để ngân hàng làm thẻ cho bạn. Sau khi đăng ký mở tài khoản khoảng một tuần, bạn sẽ nhận được thẻ rút tiền (key card), mật khẩu tài khoản và thư thông báo kích hoạt tài khoản.
Để cho tài khoản của bạn chính thức đi vào hoạt động, bạn phải tới ngân hàng hoặc có thể gọi theo số điện thoại ghi trong thư để kích hoạt. Với “key card” mỗi ngày bạn chỉ có thể giao dịch hoặc rút tiền tối đa 800 – 1000 AUD. Sau khi đã có thẻ bạn nên đăng ký sử dụng dịch vụ Netbank để kiểm tra và thực hiện việc chuyển khoản qua mạng. Bạn nên thường xuyên thay đổi mật khẩu để giảm thiểu nguy cơ ăn cắp mật khẩu. Nếu bị mất thẻ hay lộ mật khẩu hãy báo cho ngân hàng để được bảo vệ tài khoản của mình.
Khi qua Úc bạn phải “nhập gia tùy tục” rất nhiều thứ. Trong đó đăng ký tài khoản ngân hàng chính là việc làm đầu tiên để bạn hòa nhập dễ dàng với cuộc sống bên xứ người. Tốt nhất là du học sinh cần đăng ký thẻ trước khi lên đường du học.
- Thẻ sinh viên quốc tế ISIC
Thẻ sinh viên quốc tế ISIC là chiếc thẻ sinh viên duy nhất có giá trị ghi nhận trên toàn cầu với hơn 41.000 ưu đãi đặt tại 126.000 địa điểm trên toàn thế giới. Hiện nay đã có 4,5 triệu thẻ ISIC được phát ra cho các sinh viên đến từ 124 quốc gia. Với những ưu đãi khổng lồ và uy tín rộng khắp, International Student Identity Card (ISIC, thẻ sinh viên quốc tế) chính là tấm hộ chiếu giúp bạn tận dụng được các chương trình và dịch vụ ưu đãi tại chính địa phương của mình cũng như ở mọi miền thế giới. Với chi phí đăng kí chỉ từ 4 euros đến 20 euros (tùy quốc gia), sinh viên quốc tế thường chọn “sắm” một chiếc thẻ ISIC để tiết kiệm chi phí khi đi du lịch. Bạn sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm giá cho sinh viên từ rất nhiều dịch vụ như vé máy bay, thuê chỗ ở, mua sắm ở rất nhiều quốc gia trên toàn cầu. ISIC có đường dây hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
- Thẻ học sinh sinh viên – student ID card
Trong ngày tựu trường, các bạn sẽ hoàn thành thủ tục nhập học, kích hoạt tài khoản uni và email trường (myuni account), chụp ảnh và nhận thẻ học sinh. Các bạn phải mang theo hộ chiếu, bản photo visa và eCOE để hoàn thành thủ tục một cách thuận lợi. Các bạn nên dành thời gian tới địa điểm tập trung trước đó, để tránh tình trạng đi lạc, muộn giờ và bỏ lỡ thông tin trường phổ biến.
Thẻ sinh viên không chỉ có giá trị trong trường học của bạn mà nó còn là chìa khóa để bạn tiết kiệm chi phí khi du học ở Úc. Khi chìa chiếc thẻ sinh viên của mình, bạn sẽ được giảm giá với các dịch vụ làm đẹp, ăn uống hay giải trí,… Nếu là tín đồ của thức ăn nhanh, thẻ sinh viên sẽ giúp bạn nâng cấp cho các món chips hoặc nước uống của mình. Hấp dẫn hơn là chiếc thẻ này còn giúp bạn mua được nhiều món ngon được giảm giá 10% – 20% tại khá nhiều cửa hàng ăn uống tại Melbourne.
Không dừng lại ở đó, thẻ sinh viên sẽ giúp bạn sở hữu nhiều bộ quần áo ưng ý khi mua tại một số cửa hàng thời trang lớn trong thành phố. 10% là mức phí bạn sẽ được giảm khi mua sắm tại Myer, Topshop, StyleThread và Novo. Ngoài ra, với Melbourne Central bạn còn được hưởng nhiều chương trình giảm giá đặc biệt cho sinh viên có mang theo card tại khá nhiều cửa hàng như GAP hay Portmans. Rất nhiều ưu đãi nữa mà chiếc thẻ sinh viên có thể mang đến cho bạn. Hãy luôn mang theo thẻ sinh viên bên người và lưu ý thông tin kĩ càng để tham gia các chương trình ưu đãi hiệu quả nhất nhé!
- Thẻ Bảo hiểm y tế (OSHC)
Thông thường khi apply student visa là bắt buộc phải đóng tiền mua BHYT bạn sẽ được trường cấp mã số BHYT, đợi đại diện công ty bảo hiểm (thường là OSHC) đến, điền form, và đợi nhận thẻ. Hoặc, bạn có thể hỏi trường mã số, lên trang web của đơn vị cung cấp bảo hiểm, điền form order thẻ online, và thẻ sẽ được gửi bưu điện đến nhà bạn. Thẻ y tế rất hữu ích khi bạn thanh toán tiền khám, điều trị sức khỏe bởi bạn sẽ được hoàn trả lại một phần tiền bạn đã trả. Đây là những giấy tờ quan trọng, vì vậy hãy chắc rằng bạn lấy những loại thẻ này và luôn mang nó bên mình. Các loại thẻ này không những phục vụ cho mục đích cá nhân (tiền bạc và sức khoẻ) mà còn hay được dùng làm identity documents.
- ID card – chứng minh thư
Chứng minh thư, thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân là những tên gọi khác nhau để chỉ loại một loại giấy tờ ghi những thông tin cơ bản của công dân do chính quyền cấp. Chứng minh thư ở Úc rất quan trọng, kể cả bạn chỉ đi ra ngoài một quán bar để uống bia vào tối thứ 7 cùng bạn bè thì cũng cần có ID card trong người để chứng minh bạn đủ tuổi trưởng thành. Không kể đến việc những bạn đi club cuối tuần, thì việc mang passport trong người luôn khá là không tiện lợi vì bạn có thể để quên hoặc mất bất cứ lúc nào, vậy nên khi đặt chân đến úc trong vòng vài tháng đầu, bạn nên đi đăng kí một thẻ Identity card để dễ sử dụng. ID card còn có tác dụng thay thế hầu như cho Passport của bạn, được sử dụng rất nhiều nơi như ở ngân hàng, đi xin giấy tờ từ chính phủ, chứng minh nhân thân. Việc đăng kí rất đơn giản, có 2 loại card bạn có thể chọn:
Một là Photo ID card: phí làm là 49$, yêu cầu đơn giản: trên 16 tuổi, không có bằng lái xe cấp của Úc, và có đủ 100 điểm để chứng minh nhân thân. Nhìn chung chỉ cần passport và thẻ ngân hàng cộng với thẻ bảo hiểm y tế OSHC là bạn đã đủ điều kiện cho 100 điểm.
Hai là tấm bằng lái xe: đây là giấy tờ được chính quyền vùng thủ đô Australia cấp và được người dân nước này sử dụng thay chứng minh thư trong các giao dịch hoặc chứng minh độ tuổi. Nếu bạn có dự định mua xe và lái xe ở Úc, thì nên học và lấy bằng lái xe (driving lisence). Bạn sẽ bắt đầu từ bằng L ( bằng learner- lý thuyết), để có bằng này thì cần một chút thời gian học và chuẩn bị ở trên mạng.
Sau đó, bạn có thể thi tại các chi nhánh của Cơ quan giao thông đường bộ, hoặc bạn có thể dùng bằng lái xe của nước bạn trong ba tháng đầu ở Úc, sau đó bạn cần đăng ký thi lấy bằng lái xe của nước sở tại, ở bang nơi bạn sống.
- Thẻ giao thông công cộng
Đa số các sinh viên đều chọn xe buýt hoặc tàu điện ngầm để đi học nếu như chỗ ở của họ ở xa trường, còn bạn nào tìm được nhà trọ gần trường thì họ đều đi bộ đi học. Nếu đi những phương tiện giao thông công cộng đi học thì bạn nên mua vé tháng để nhận được mức giá rẻ hợp với túi tiền của sinh viên.
Chính sách giá vé cho các bạn du học sinh tại các bang cũng khác nhau. Nếu ở Perth và Brisbane, chỉ cần các du học sinh theo học trên 04 tuần chính thức là đã được hưởng chính sách giảm giá khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng (bạn có thể dùng thẻ học sinh có xác nhận của Taylors College như một thẻ giảm giá) thì ở Sydney và Melbourne, sinh viên quốc tế không được giảm giá và phải thanh toán tiền vé như người lớn.
Vì thế, du học sinh tại Úc muốn tiết kiệm chi phí du học Úc thường mua thẻ theo tuần, theo tháng, tiết kiệm đến 60% chi phí đi lại tại đây. Những thẻ đi lại phổ biến như My Zone, thẻ Met Card, Go Card, Transperth, My Multi, TravelTen,…Cách đăng ký thẻ giao thông công cộng của từng bang ở Úc cũng có sự khác biệt. Bạn nên liên hệ với văn phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường để được tư vấn rõ hơn.