Cuối tháng 6, tại Cabramatta, một khu vực ngoại ô cách trung tâm thành phố Sydney (Úc) khoảng 30km về phía tây, tôi gặp Nguyễn Thu Hương (32 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi), người trở thành công dân Úc cách đây hơn 4 năm nhờ… kết hôn giả.
Đã sắp xếp hẹn từ trước, tôi gặp Hương ở một nhà hàng Việt tại Cabramatta. Không khó nhận ra đây là một khu người Việt vì có rất nhiều bảng hiệu bằng tiếng Việt và nhiều người dùng tiếng Việt trao đổi rôm rả với nhau. Hương đang làm nghề nail ở trung tâm Sydney.
Chuyện từ người trong cuộc
Hương đặt chân đến nước Úc theo diện du học sinh cách đây 8 năm và xác định ngay từ đầu là tìm cách trở thành công dân Úc để có cuộc sống ổn định và nhận được những phúc lợi của Chính phủ Úc, sau đó tìm cách bảo lãnh người thân ở Việt Nam sang.
Ở quê nhà, bạn trai cô vẫn đợi cô.
Thông qua sự giới thiệu của bạn bè ở Úc, Hương tìm được mối làm “chồng”, đó là một người Úc bản xứ với cái giá 60.000 đôla Úc (AUD). Hương nhờ các luật sư gốc Việt tư vấn hồ sơ nộp cho cơ quan di trú của Úc.
“Ở đây có luật bất thành văn là nếu anh nhờ luật sư tư vấn làm hồ sơ di dân theo diện kết hôn, tuyệt đối không được nói kết hôn giả vì luật sư lo ngại có thể bị lộ và bị điều tra” – cô nói.
Để chuẩn bị hồ sơ, Hương và “chồng” đã đi chụp ảnh cưới nhiều nơi, thuê hẳn một công ty dịch vụ tổ chức tiệc cưới chuyên nghiệp cùng khách mời dự đám cưới là người Việt và người Úc.
Hương cho biết theo quy định ở Úc, nộp hồ sơ di trú theo diện kết hôn không cần phải đi phỏng vấn trực tiếp, chỉ cần viết một bản tường trình thật đầy đủ, tức là một hồ sơ đẹp để qua mắt cơ quan di trú.
Chẳng hạn, trong bản tường trình, hai người sẽ nói rõ quen nhau khi nào, cầu hôn ra sao, mối quan hệ chung với bạn bè hai bên, thư từ qua lại, những hình ảnh hẹn hò, đồ đạc chung trong nhà, tài khoản ngân hàng chung, những giấy tờ, hóa đơn…
Nếu hồ sơ không đủ sức thuyết phục, lúc đó cơ quan di trú sẽ phỏng vấn qua điện thoại hoặc đến địa chỉ nhà mà cả hai đăng ký để kiểm tra đột xuất.
Hồ sơ của Hương được duyệt nhanh chóng. Cô lần lượt được cấp thẻ tạm trú, thường trú, và cách đây hơn 4 năm đã trở thành công dân Úc.
Cách đây hơn 2 năm, sau khi ly dị “chồng”, Hương đã về Việt Nam kết hôn với bạn trai lâu năm. Người bạn trai này cũng đã sang Úc đoàn tụ với cô theo diện kết hôn thật.
Úc trừng phạt tội kết hôn giả thế nào?
Theo trang Visa Solutions, nếu nhà chức trách phát hiện một cuộc hôn nhân là giả, cả chồng và vợ đều đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng. Người nhập cư sẽ bị trục xuất về nước và bị tịch thu visa.
Họ cũng bị liệt vào danh sách “đen” và không còn cơ hội trở lại Úc sau đó. Họ cũng có thể đối mặt với các hình phạt và khoản tiền phạt hình sự lên tới 300.000 AUD cùng một thời hạn tù nhất định.
Nhân viên cơ quan di trú có thể tiến hành kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào và có một loạt biện pháp khác nhau để phát hiện hôn nhân giả.
Vào bất cứ giai đoạn nào họ cũng có thể yêu cầu nộp bổ sung giấy tờ và tiến hành thẩm vấn sâu hai vợ chồng. Họ cũng có thể tới nhà, nói chuyện với bạn bè hay người chủ nơi làm việc của cặp vợ chồng đó.
Xét duyệt gắt gao hơn
Theo Hương, gần đây các cơ quan chức năng Úc đã siết chặt quy định di trú và cẩn trọng hơn trong việc xét duyệt hồ sơ để tránh trường hợp kết hôn giả nhằm trục lợi những chính sách an sinh xã hội rất tốt của nước này.
“Bây giờ họ kéo dài thời gian xét duyệt hồ sơ. Ví dụ như họ thường ngâm hồ sơ di trú theo diện kết hôn đến 1 năm, 2 năm. Trong thời gian đó, nếu những cặp đôi này không có con, họ có thể đặt nghi vấn kết hôn giả và kiểm tra” – Hương chia sẻ.
Nguồn: Tuổi trẻ Online