Sau khi tốt nghiệp, nhiều du học sinh Úc đã lên kế hoạch ở lại làm việc và tìm cơ hội định cư. Tuy nhiên, làm thế nào để kiếm một việc làm tốt tại Úc là một bài toán khó. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố mà sinh viên du học Úc cần phải biết. Sau khi dành thời gian quý báu và tiền bạc học tại các trường đại học tại Úc, tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp trở thành mong ước cháy bỏng của hầu hết các sinh viên du học Úc – một dấu chấm hoàn hảo đối với trải nghiệm học hành của họ tại Úc. Nhưng với hơn 180 nghìn sinh viên Úc tốt nghiệp mỗi năm thì tìm được công việc ước mơ của mình không hề dễ dàng. Vậy làm thế nào để vượt qua những trở ngại của nhà tuyển dụng, bài viết sau đây sẽ cho bạn một số gợi ý cần thiết.
Cách xin việc kiểu Úc bạn cần biết: Tại Úc, phần lớn các cuộc tuyển dụng đều chú trọng yếu tố kinh nghiệm chuyên môn, sau đó là các kĩ năng mềm (nhiều nơi gọi là soft skills hoặc là professional skills) ví dụ như communication, presentation, time management và rồi đến bảng điểm của bạn. Vậy nên nếu sinh viên sau tốt nghiệp không có bảng điểm tốt hoặc là đến từ trường không có tiếng thì đừng tự ti bởi cơ hội cho bạn vẫn là rất nhiều nếu bạn có thể bù đắp bằng kinh nghiệm hoặc các kĩ năng mềm.
Các địa chỉ internet chung và chuyên ngành về tìm việc làm như các văn phòng tuyển dụng và các thông tin tuyển dụng đăng trên báo là hai con đường tìm kiếm việc làm chủ yếu mà bạn nên theo. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng kí vào Centrelink, là cơ quan về Việc làm của chính phủ Úc.
Yếu tố quan trọng để có một CV người Úc ưng nhất
Chi tiết, dài từ 6 – 8 trang: Không giống như các loại CV mà bạn vẫn biết, thông thường, CV “chuẩn Úc” phải vượt quá ba trang, thường là nó phải từ 6 hay 8 trang (trừ trường hợp các công việc lặt vặt, thì chỉ cần một trang cũng được). Như vậy có nghĩa là, CV xin việc tại Úc của bạn phải thật sự chi tiết, đặc biệt là về kinh nghiệm làm việc. Bạn cũng nên lưu ý đặc biệt đến các mục «hobbies», sở thích và các mối quan tâm cá nhân. Hồ sơ phải đựng trong phong bì giấy A4, các nhà tuyển dụng Úc rất ghét giấy tờ bị gấp nếp.
Các mục chính cần có trong hồ sơ: Bạn cũng nên biết rằng không cần thiết phải có ảnh trong hồ sơ. Các mục chính bạn nên đưa vào chi tiết là : personal details (thông tin cá nhân và thông tin liên lạc), trình độ văn hóa (education), bằng cấp và đào tạo (qualifications/training) (tùy ý), kĩ năng (skills) (tùy ý), quá trình phát triển sự nghiệp (career history), quá trình làm việc (employment history), trọng tâm của CV: vị trí đã từng đảm nhận, kết quả đạt được, lí do bạn bỏ việc cũ… để chủ lao động tham khảo thông tin về bạn (referees).
Luôn đi kèm với thư xin việc: CV bao giờ cũng phải đi kèm với thư xin việc cover letter để nói lên động cơ bạn nộp hồ sơ xin việc. Thư xin việc không được vượt quá một trang và thông thường từ 3 đến 4 đoạn. Cố gắng nắm được tên của người quản lí việc tuyển dụng này, chính họ sẽ là người đọc thư bạn gửi đến. Trong mọi trường hợp, các thông tin sau đây phải có trong thư xin việc: thông tin liên lạc, ngày tháng, tên của người bạn liên lạc, giới thiệu một chút, các động cơ chủ yếu của bạn khi nộp hồ sơ, kinh nghiệm và các kết quả của bạn, xin một cuộc phỏng vấn, câu kết thể hiện kính trọng và lịch sự; cuối cùng là chữ kí.
Và bạn cũng cần nắm những bí quyết thành công khi phỏng vấn xin việc tại Úc để trả lời phỏng vấn. Ở Úc, bạn có thể nhận được một cuộc điện thoại để phỏng vấn việc làm ngay sau khi bạn nộp hồ sơ. Vì thế, đừng bất ngờ và hãy chuẩn bị tinh thần bất cứ lúc nào để được phỏng vấn. Một số bí quyết sau sẽ giúp bạn vượt qua thử thách này một cách dễ dàng. Trước buổi phỏng vấn bạn cần thực hành và nâng cao kĩ năng phỏng vấn bằng cách chuẩn bị những câu hỏi thông thường, những câu hỏi liên quan đến cá nhân bạn và câu hỏi tình huống mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi. Một điều quan trọng khác là bạn nên tìm kiếm thông tin về công ty bạn muốn làm việc vì chắc chắn bạn sẽ được hỏi những câu như : “Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?”, “Tại sao bạn lại muốn ứng tuyển cho vị trí này?” và bạn phải trả lời được lý do của mình.
Trong buổi phỏng vấn, hãy thể hiện sự tự tin và giữ nụ cười tươi thường trực trên môi. Bạn cần phải chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy bạn thật sự đam mê với vị trí công việc bạn đang ứng tuyển và luôn sẵn sàng học hỏi. Với những câu hỏi bạn không biết câu trả lời, hãy thay thế bằng một cách trả lời khác là bạn chưa bao giờ trải qua tình huống đó, bạn sẽ nhanh chóng tìm hiểu và nhanh chóng có câu trả lời cho nhà tuyển dụng vào hôm sau. Và hãy nhớ chuẩn bị một vài câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng liên quan đến vị trí công việc.