Anh là Huỳnh Vũ Hải, 35 tuổi (quê Kiên Lương, Kiên Giang). Từ bỏ công việc của một kỹ sư, anh bán đồ ăn ở Australia như một cơ duyên.
Trên tay anh, ổ bánh mì đã xẻ sẵn. Anh khom người trước chiếc tủ kính, một tay vừa cầm vừa tách. Tay còn lại anh gắp từng miếng thịt đã nướng chín cho vào chiếc bánh. Thịt đã đủ, anh cho tiếp dưa leo và đồ chua rồi chan thêm muỗng nước sốt trước khi giao cho khách…
Bản sắc Việt ở xứ người
Khách mua bánh mì là một người Australia còn khá trẻ, ăn mặc giản dị. Đưa tay nhận chiếc bánh đã làm xong, ông cám ơn người bán, trả tiền rồi quay lại nói với chúng tôi: “Bánh mì này ngon lắm, tôi ăn nhiều lần rồi”.
Chúng tôi là người khách kế tiếp. “Chú thích ăn gì con làm cho…”, câu chào bằng tiếng Việt làm chúng tôi hết sức bất ngờ. Trên đất Australia muốn nghe được một câu tiếng Việt không khó nhưng ở đây, chợ phiên của Brisbane city, hầu hết các gian hàng đều của người bản xứ.
Sự có mặt của gian hàng bánh mì do người Việt làm chủ khiến chúng tôi vô cùng thích thú. “Cho chú một ổ bánh mì thịt đi”. Anh nở nụ cười thật tươi: “Con giới thiệu với chú, ngoài bánh mì con còn có cơm tấm, xôi mặn và các loại thức ăn đường phố như ở Việt Nam”.
Miệng nói, mắt nhìn và nụ cười luôn nở trên môi, anh trao cho chúng tôi ổ bánh và mời ngồi ăn tại chỗ. Bánh mì anh làm ngon thật. Sau nhiều lần len lỏi khắp thành phố, chúng tôi có thể ghi nhận nơi đây thức ăn mang đậm hương vị Việt. Miếng thịt anh nướng được ướp tẩm rất vừa miệng. Miếng thịt gà theo đĩa xôi khá hấp dẫn.
Khi vắng khách, anh ngồi cạnh chúng tôi. Anh là Huỳnh Vũ Hải, 35 tuổi (quê Kiên Lương, Kiên Giang). Anh đến Australia vào năm 2005 để theo học ở một trường đại học với chuyên ngành môi trường.
Những năm đầu tha hương trên đất khách, anh phải làm thêm tại nhà hàng của người thân mới có đủ khả năng trang trải các chi phí ăn ở và học hành. Anh từng đảm nhận nhiều vị trí như chạy bàn, rửa chén song song với việc học ở trường.
Sau 4 năm, anh tốt nghiệp, ra trường với mảnh bằng kỹ sư. Anh tìm được việc làm khá tốt ở một công ty chuyên về xử lý rác thải. Công việc văn phòng với những dự án, những kế hoạch không làm anh có được niềm vui. Anh xin nghỉ để trở lại với công việc mà trước đây chỉ là làm để cải thiện cuộc sống, làm nhà hàng.
“Vui lòng cho một ly nước mía”, tiếng của người khách vang lên cắt đứt câu chuyện. Anh Hải nhìn ra – khách là một người phụ nữ da trắng.
Anh đứng dậy đến bên đống mía, mở tấm đậy. Rút một cây mía, anh cho vào chiếc máy bên ngoài ghi dòng chữ Việt “Nước mía siêu sạch”. Trên đất Australia mà lại có loại máy này sao?
Anh múc nước mía vào ly, đậy nắp trao cho khách rồi nói: “Loại máy ép nước mía này con đặt mua từ Việt Nam. Chú xem dòng chữ nhỏ nằm dưới cùng đó”. Thì ra nơi sản xuất máy là một cơ sở ở quận 5, TP.HCM.
“Ở đây con bán toàn thức ăn và đồ uống Việt Nam. Sản phẩm bán ra con cố giữ cho được bản sắc Việt nên không chỉ người Việt mà cả người nước ngoài đều thích…”, anh nói.
Chợ phiên dân dã
Chợ phiên ở Brisbane city khá lớn. Nằm dọc theo con đường bao bọc công viên Davies Park từ đường Montague đến bờ sông Brisbane dài gần 1km, những gian hàng hai bên đường bày bán đủ loại mặt hàng và dịch vụ thông thường.
Không riêng gì người bản xứ, người Pháp, Đức, Việt và nhiều quốc gia khác đều có gian hàng bán những sản phẩm đặc trưng… Chợ phiên này chỉ hoạt động 1 ngày/tuần, vào ngày thứ 7.
Dòng người đến với chợ đông dần. Hầu như gian hàng nào cũng tất bật. Anh Hải cũng không ngưng tay. Cứ hết bánh mì đến xôi, rồi cơm tấm đến những món ăn vặt, anh làm không ngưng nghỉ và dường như càng làm anh càng có hứng thú.
“Sau khi nghỉ làm ở công ty môi trường, con tiếp tục xin làm ở nhà hàng. Không việc gì con không làm và phải làm hết sức nhiệt tình. Từ khởi điểm là chạy bàn chẳng bao lâu con được làm phụ bếp.
Ở vai trò này con phát huy hết khả năng cũng như lòng đam mê của mình. Trời chẳng phụ lòng người. Con được bếp chính truyền lại tất cả những bí quyết nghề nghiệp nên sau đó, con trở thành đầu bếp thực thụ.
Vài năm sau, năm 2012, con mở nhà hàng. Công việc làm ăn suôn sẻ và con lập gia đình với một phụ nữ ở Hà Nội, sinh được 2 cháu nhỏ. Hàng ngày, vợ con ở nhà trông cháu, con trông coi nhà hàng.
“Con rất thích nấu ăn – Hải nói. Qua đây, xa quê hương con lại càng muốn nấu những món ăn Việt. Những món ăn đơn giản, dân dã nhưng rất đậm tình quê hương. Khách đến với nhà hàng con không riêng gì người Việt mà người quốc tịch khác khá đông”.
Hải cho biết thêm, đến 2017, anh bán nhà hàng để tiếp tục đi làm công cho các nhà hàng khác. Một tuần, vào ngày thứ 7 anh trở về đây mở gian hàng bán thức ăn Việt.
Đôi vợ chồng già người Australia ghé vào. Hải đứng lên đón khách. Họ mua một hộp xôi mặn mà một ổ bánh mì thịt. Hải mở nắp lấy xôi. Hơi nóng tỏa ra mang đầy hương vị Việt làm dịu không khí lạnh của buổi cuối đông.
Bánh mì và xôi trao cho khách, Hải chưa kịp bỏ tiền vào tủ thì người khác đến. Cứ thế cho đến trưa, đến chiều, thức ăn vơi dần và niềm vui dâng cao.
Người Việt xa quê ai cũng chí thú làm ăn. Họ nâng niu những đồng tiền kiếm được bởi đó là đồng tiền được tạo ra bằng những giọt mồ hôi có khi lẫn cả nước mắt.
Có thể gọi chợ phiên Brisbane city là chợ bình dân. Chợ được hình thành bằng những gian hàng dã chiến. Hàng hóa đa phần được lấy từ những cơ sở sản xuất tại chỗ. Người bán không cầu kỳ và người mua không kén chọn.
Chúng tôi từ giã Hải đi sâu vào bên trong để tận mắt chứng kiến sinh hoạt rất đỗi bình thường nhưng không phải nơi nào cũng có được.
Theo Vietnamnet.vn