Home Blog Page 10

16 lỗi khi lái xe khiến bạn sẽ bị phạt tiền tại Úc

0

Có rất nhiều lỗi khi lái xe mà bạn không hề biết. Giao thông tại nước Úc khác với Việt Nam, hiểu được luật giao thông ở Úc vô cùng cần thiết để không bị phạt nặng và tước bằng. Và quan trọng hơn cả là bạn đã giữ được sự an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Những lỗi như: ăn, nhắn tin, lái xe khi đi dép xỏ ngón, hút thuốc, quay lại để xử lý trẻ con, trả lời điện thoại, sử dụng mạng xã hội, ngủ gật, trang điểm… khi lái xe là những lỗi mà hầu như ai cũng từng mắc phải và không nghĩ sẽ bị phạt. Vì vậy bạn phải luôn luôn tìm hiểu về luật giao thông đường bộ của Úc và tìm hiểu sự khác nhau ở mỗi tiểu bang nếu có đi du lịch đâu đó – nếu không muốn bị phạt nặng.

1) Làm bắn bùn lên người đi bộ: Một tài xế có thể bị phạt vì làm bắn bùn lên người đi bộ hoặc đang đợi xe. Tiền phạt trong trường hợp này là $187.

2) Đỗ một chiếc xe chưa đăng ký trên đường: Nếu bạn mua xe mà chưa đăng ký thì đừng có dại mà đỗ trên đường nhé, vì bạn có thể bị phạt $673.

3)Không khoá xe: Bạn có thể bị phạt vì một chiếc xe không khóa. Hình phạt bao gồm khoản tiền phạt $112 và 3 điểm trừ nếu một người lái xe đứng cách chiếc xe quá 3m trong khi chìa khoá vẫn còn nằm trong ổ khoá của xe.

4) Người ngồi ghế trước xe ô tô không thắt dây an toàn: Bạn sẽ phải nộp $336 tiền phạt và trừ 3 điểm nếu người ngồi ghế trên không thắt dây an toàn đúng cách.

5) Lái xe khi đi dép tông, dép xỏ ngón: Đi dép lái xe khiến bạn khó đạp phanh hoặc nhấn ga, dép có thể bị tuột, hoặc độ bám dính không tốt, rất dễ dẫn đến nguy hiểm cho bản thân và người khác. Vì vậy nếu khi lái xe gây tai nạn thì việc đi dép xỏ ngón sẽ khiến bạn bị tăng thêm tiền phạt.

6) Ăn khi lái xe: Mặc dù chuyện ăn uống trong xe không vi phạm pháp luật, nhưng nó vẫn khiến tài xế có thể bị phạt nặng nếu điều này dẫn đến chuyện tài xế không làm chủ được tay lái, chẳng hạn không chạy đúng làn xe, hay chậm phản ứng khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Tại NSW, không làm chủ tay lái có thể khiến tài xế bị phạt $448 và bị trừ 3 điểm.

Nguồn: Internet

7) Lái xe khi đã uống rượu bia hoặc đã có sử dụng ma túy: Uống rượu lái xe sẽ bị treo bằng ngay tại chỗ

  • Nếu nồng độ cồn > 0.15: nếu là vi phạm lần đầu tiên tài xế sẽ bị phạt $3,300, và có thể nhận án tù từ 12 – 18 tháng.
  • Nếu nồng độ cồn ở mức trung từ 0.08 – 0.15: tài xế có khả năng phải ngồi tù từ 6 – 9 tháng
  • Nếu nồng độ cồn ở mức thấp từ 0.05 – <0.08: tài xế có thể chịu tù 3 tháng, nhưng trường hợp này tài xế vẫn tiếp tục được lái xe cho đến khi bị tòa tuyên án.

Tài xế bằng L và P nếu bị treo bằng sẽ có quyền kháng án để xem giảm án.

Tài xế bằng Full sẽ không được quyền kháng án, nhưng bù lại sẽ được tiếp tục lái xe nhưng chỉ với 1 điểm trong vòng 1 năm.

Ở NSW bạn sẽ lập tức bị tước giấy phép lái xe và đóng thêm khoản phạt trên 500 đô la và bạn buộc phải ra khỏi xe và đi bộ về nhà.

8) Lái xe dùng chất cấm và thuốc kê toa: Lái xe khi sử dụng thuốc cũng là phạm pháp. Thuốc bao gồm từ chất cấm như thuốc lắc cho tới thuốc do bác sĩ kê toa. Nếu cảnh sát kiểm tra và phát hiện có chất gây nghiện trong cơ thể, tòa có thể áp dụng mức phạt lên tới $1,100 và tước bằng 6 tháng. Nếu chứng minh được tài xế đang lái xe khi bị ảnh hưởng bởi chất cấm hoặc thuốc kê toa, mức phạt có thể lên tới $3,300m và tước bằng 3 năm, thậm chí 18 tháng tù.

9) Sử dụng điện thoại di động khi lái xe: Theo đó, các tài xế nếu bị bắt khi đang dùng điện thoại di động trong lúc lái xe sẽ bị trừ 5 điểm. Tại NSW, điện thoại di động chỉ được sử dụng với mục đích gọi, nghe nhạc hoặc định vị nếu có thiết bị gắn cố định, hoặc được dùng nếu tài xế không chạm vào điện thoại. Nhắn tin, gửi email hoặc chụp hình đều bị cấm.

10) Chạyxe  quá gần xe đạp: Những tài xế ở NSW nếu chạy xe quá gần người đi xe đạp sẽ bị phạt $330 và mất 2 điểm theo luật mới do chính phủ tiểu bang NSW ban hành. Tài xế lái xe ngang người đi xe đạp phải giữ khoảng cách ít nhất 1 mét và giới hạn tốc độ là 60km/h. Nếu vượt quá tốc độ 60km/h thì khoảng cách giữa xe hơi và xe đạp là 1.5 mét. Những luật tương tự hiện đã có ở Tây Úc và Queensland. 

11) Không giảm tốc độ khi chạy ngang qua xe làm dịch vụ khẩn cấp như: cảnh sát, cứu hỏa, cứu thương…: Một người phụ nữ ở Nam Úc đã bị phạt $1,007 và bị treo bằng 6 tháng vì chạy quá 25km/h ngang qua xe cảnh sát, một lỗi mà theo bà là “không công bằng” và “không ai biết”. Ở Victoria và Tây Úc, các tài xế phải giảm tốc độ xuống 40km/h, mức phạt tối đa là $793. Ở NSW khi bạn chạy ngang qua các xe trên phải ngay lập tức giảm tốc độ xuống 40km/h.Vi phạm quy định này sẽ bị phạt $448 và bị trừ 3 điểm.

Quy định này áp dụng cho tất cả các xe lưu thông ở cả hai chiều trên đường, trừ khi con đường đó có dải phân cách.Và phải giữ tốc độ này cho đến khi chạy qua hết tất cả những xe và người đang có mặt ở đó.

12) Chạy quá tốc độ cho phép: Lỗi chạy quá tốc độ cho phép là lỗi nặng nhất. Vì vậy bạn sẽ bị phạt $3,740 và bị trừ 7 điểm khi chạy quá tốc độ cho phép đến 45km/h. Chỉ cần vượt quá tốc độ cho phép 30km/h là đã bị tước bằng tại chỗ, và bị trừ 6 điểm.

Nhiều người thường mắc lỗi chạy xe vượt quá tốc độ vì những sơ suất không đáng có, nhiều nhất là trong khu vực school zone với tốc độ cho phép tối đa chỉ 40km/h trên đoạn đường có vận tốc 70km/h. Điều này khiến nhiều tài xế bị quá tốc độ cho phép 30km/h và bị treo bằng ngay lập tức.

13) Lái xe không đúng làn đường: Bạn phải lái xe ở làn đường bên trái trừ khi vượt. Nếu một người lái xe ở làn đường bên phải, dưới giới hạn tốc độ tại con đường đó, họ có thể bị trừ 2 điểm và được yêu cầu nộp phạt $337. Tài xế phải lái xe bên trái nếu có các biển báo (yêu cầu lái xe bên trái trừ khi vượt) hoặc khi giới hạn tốc độ trên 80km/h.

14) Bị treo bằng nhưng vẫn chạy xe: Vi phạm này được xếp vào loại ‘cố ý gây nguy hiểm cho người khác’ và có nguy cơ rất cao bị cảnh sát phát hiện.Tài xế chắc chắn sẽ phải ra tòa, và tùy vào từng trường hợp như nguyên nhân vi phạm, vi phạm lần thứ bao nhiêu, điều kiện tài chính mà tòa sẽ có quyết định cho từng trường hợp.Đối với những trường hợp đã vi phạm nhiều lần chắc chắn Tòa sẽ không ngần ngại đưa tài xế đó vào tù. Đối với những người vi phạm lần đầu, án tù vẫn có khả năng xảy ra trừ khi tài xế đưa được lý do chính đáng (có người bệnh nặng, nhà có việc gấp…)

15) Bị bắt lỗi vi phạm giao thông nhưng nhờ người khác nhận hộ điểm phạt: Đã có những trường hợp tài xế vượt đèn đỏ bị camera chụp hình được và gửi giấy báo phạt đến nhà. Người tài xế này đã nhờ người khác nhận điểm hộ nhưng không hề biết trên camera đã nhận dạng được khuôn mặt của mình.

Những trường hợp bị cảnh sát phát hiện đã khai không đúng, tài xế đó có thể bị phạt mức tù lên tới 5 năm. Ngoài ra, nhiều tài xế đã nhận điểm hộ cho người khác, điều đó đồng nghĩa tài xế đó phải chấp nhận rủi ro đã có án tích trong hồ sơ, và nếu đến lượt mình vi phạm thì rất khó được Tòa khoan hồng vì đã vi phạm nhiều lần.

16) Không thông báo về việc thay đổi thông tin cá nhân: Bạn có thể bị chính quyền bang NSW phạt tiềnnếu không thông báo về việc thay đổi tên hoặc địa chỉ tài xế. Hình phạt là $112.

Tip để thanh toán drive-thru qua điện thoại mà không bị phạt tới 484 đô

0

Drive-Thru là một hình thức dịch vụ mua hàng mà khách có thể mua hàng trực tiếp ngay trên xe của mình mà không cần bước xuống xe. Bạn sẽ dễ dàng mua hàng với 3 bước đơn giản: Đặt món ăn qua máy tại quầy đặt hàng; thanh toán tại quầy thanh toán; nhận món ăn tại quầy nhận hàng. Ngày nay rất nhiều thương hiệu phục vụ thành công theo mô hình Drive-Thru như MC Donald’s, KFC, Burger King.

Hình thức mua hàng này rất thuận tiện đối với người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, theo cục cảnh sát Victoria, “Sử dụng điện thoại di động khi lái xe sẽ bị phạt 484 đô và tích lũy 4 điểm phạt”. Nếu không để ý, bạn sẽ rất dễ bị phạt vì đa phần mọi người đều nghĩ rằng việc mua hàng theo hình thức này hoàn toàn được chấp nhận.

Để tránh cho việc bạn phải trả phí quá đắt cho bữa ăn của mình, một lời khuyên do cục Cảnh Sát Victoria đưa ra đó là: “Nếu bạn có ý định sử dụng điện thoại di động để thanh toán drive – thru, nhớ phanh tay, tắt máy, rồi hãy mở điện thoại. Làm như vậy, bạn sẽ không được coi là đang lái xe.”

Bởi sử dụng điện thoại để trả tiền drive – thru khi lái xe mà không tắt động cơ và không kéo phanh tay là một hành vi phạm tội, mức phạt có thể từ 250 – 484 đô la trên toàn quốc.

Mỗi tiểu bang sẽ có những mức phạt khác nhau:

Victoria: 484 đô la và 4 điểm phạt

NSW: 337 đô la và 5 điểm phatj

ACT: 447 đô la và 4 điểm phạt

QLD: 391 đô la và 3 điểm phạt

WA: 400 đô la và 3 điểm phạt

SA: 308 đô la và 3 điểm phạt

Tasmania: 300 đô la và 3 điểm phạt

NT: 250 đô la và  điểm phạt

Bạn hãy lưu ý để không phải trả khoản tiền ngoài mong muốn nhé!

Nguồn: Tổng hợp

Bạn có biết chương trình chuyển đổi kinh nghiệm làm việc thành bằng cấp tại Úc?

1

Một cơ hội tốt mà Chính phủ Úc dành cho những lao động nước ngoài muốn đến sinh sống và làm việc tại Úc chính là chính sách đổi bằng cấp. Đổi bằng cấp Úc – RPL là một chính sách khuyến học đặc biệt dành cho sinh viên quốc tế du học, người lao động nước ngoài đến làm việc tại Úc hoặc công dân Úc có kỹ năng, tay nghề nhưng chưa có bằng cấp. Chính sách này cho phép bạn chuyển đổi kinh nghiệm và kỹ năng làm việc đã tích luỹ được trước đây của mình thành thành bằng cấp tại Úcmà bạn không cần phải học tại Úc. Nó đã tạo điều kiện và mở cửa cho rất nhiều sinh viên, người lao động muốn làm việc và sinh sống lâu dài ở Úc bằng visa Lao động.

Chính sách này ra đời nhằm khắc phục những trở ngại về bằng cấp cho những đối tượng lao động: Học tập một ngành nghề nhưng lại làm việc khác với ngành nghề đó; Không có bằng cấp của ngành nghề mới nên không có cơ hội được bảo lãnh bằng visa lao động; Đối tượng đang phải đi làm kiếm tiền, không có thời gian đi học để lấy bằng hoặc học nhưng không vượt qua các kỳ thi để được cấp bằng; Đối tượng muốn mở cửa hàng kinh doanh tại Úc nhưng không có bằng cấp; Người lao động ở quốc tế muốn sang Úc làm việc theo diện tay nghề nhưng chưa có bằng cấp; Học sinh quốc tế muốn sang Úc du học nhưng không chứng minh được mục đích du học; Người thân của lao động tay nghề ở Úc theo sang Úc nhưng không xin được việc do không có bằng cấp.

Nội dung xét duyệt để chuyển đổi bao gồm:

– Kỹ năng và kinh nghiệm làm việc fulltime, partime.

– Kiến thức học tập tại các trường đại học, cao đẳng.

– Khả năng đặc biệt về ngôn ngữ, âm nhạc, kỹ thuật…

Hầu hết tất cả các lĩnh vực ngành nghề đều được áp dụng vào quá trình chuyển đổi sang bằng cấp như:

  • Ngành kinh tế: Business, Marketing, Accounting, Management
  • Ngành công nghệ thông tin: IT / website…
  • Ngành kỹ thuật: Điện, Điện tử, Cơ khí
  • Ngành xây dựng : Building and Construction/ Plumbing/ Bricklaying/  Carpentry/Painting/ Tiling/Waterproofing…
  • Ngành giáo dục: Early childhood, Aged care…
  • Ngành nhà hàng khách sạn: Cookery/ Patisserie/ Baker/ Hospitality…
  • Ngành làm đẹp: Masage/ Hairdressing/ Beauty..

Điều kiện tham gia xét duyệt là đối tượng từ 18 tuổi trở lên, có ít nhất một năm kinh nghiệm trong ngành nghề muốn được cấp bằng tại Úc. Do xét duyệt theo kinh nghiệm làm việc, đối tượng có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực sẽ được cấp nhiều bằng ngành nghề mà không phải tốn thời gian, chi phí học tập tại các trường đại học, cao đẳng của Úc.

Đối tượng nước ngoài đã có bằng cấp tại đất nước của mình, có kinh nghiệm làm việc đủ thời gian và tiêu chuẩn sẽ được cấp bằng ngành nghề tương đương tại Úc.

Các bước cơ bản để du học sinh Úc chuyển đổi kỹ năng qua chương trình RPL

Bước 1: Cung cấp thông tin và đăng ký ngành nghề RPL

Bước 2: Hồ sơ chứng minh năng lực

Cung cấp các bằng chứng giấy tờ, Video clip, Điền vào mẫu đính kèm và cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt về kinh nghiệm trước đây của bạn trong nghề nghiệp của bạn. Đây là cơ hội của bạn để cung cấp bằng chứng về kinh nghiệm của mình thích hợp với ngành. Ở đây bạn có thể cung cấp các bằng chứng về lịch sử quá trình làm việc của bạn.

Bước 3: Phỏng vấn kỹ thuật

Như là một phần củaquá trình RPL -một buổi phỏng vấn Competency Conversation sẽ được tiến hành giữa bạn và RTO.

Các câu hỏi dành cho bạn đã được biên soạn để các giám định viên có thể thu thập được thêm bằng chứng về kinh nghiệm của bạn trong quá khứ và hiện tại và sẽ tập trung vào các kỹ năng cần thiết để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của trình độ chuyên môn. Buổi phỏng vấn kỹ thuật thường diễn từ 1 đến 2 giờ.

Phần lớn các cuộc phỏng vấn kỹ thuật sẽ được thực hiện bằng hình thức ghi âm video – bộ phận CNTT của Úc sẽ liên lạc với bạn để kết nối thử nghiệm trước ngày đánh giá. Bạn sẽ cần truy cập vào một máy tính cá nhân (PC), có kết nối băng thông rộng, một webcam và một bộ tai nghe.

Nguồn: Tổng hợp

Vì sao du học sinh Úc cần mua bảo hiểm y tế (OSHC)?

Khi đặt chân đến Úc, dù bạn chỉ tạm trú một thời gian ngắn hay ở lại học tập lâu dài thì việc mua bảo hiểm y tế (OSHC) là một yêu cầu bắt buộc cho suốt quá trình bạn ở lại trên đất Úc. Cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại Úc vô cùng đắt đỏ. Trong khi người dân nước này được hỗ trợ bởi hệ thống Medicare thì sinh viên quốc tế lại không đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ này. Bảo hiểm OSHC được đưa ra nhằm bảm đảm việc  chăm sóc sức khỏe cho các du học sinh trong thời gian họ ở Úc, giúp du học sinh sử dụng dịch vụ y tế phù hợp mà không rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Chính vì vậy, sinh viên  quốc tế cần hiểu và nắm rõ quy trình mua bảo hiểm trước cũng như lợi ích khi mua bảo hiểm tại Úc.

Bảo hiểm sức khỏe cho du học sinh (OSHC)  là dịch vụ bảo hiểm y tế chi trả cho các chi phí về:

–         Điều trị y tế trong bệnh viện

–         Điều trị y tế ngoài bệnh viện

–         Dược phẩm có đơn bác sĩ

–         Dùng xe cứu thương trong trường hợp khẩn cấp

Bạn có thể mua bảo hiểm cho suốt thời gian của khóa học của bạn hoặc tối thiểu 12 tháng. Chính phủ Úc khuyên bạn nên mua bảo hiểm trong suốt thời gian bạn ở Úc vì bạn sẽ được giảm giá 5% cho bảo hiểm trên 12 tháng, tránh trường hợp giá bảo hiểm tăng và quên không đóng tiếp bảo hiểm.

 Bạn sẽ được sử dụng dịch vụ gì khi mua bảo hiểm OSHC?

OSHC Worldcare cung cấp một mạng lưới an toàn cho du học sinh, như mạng lưới Medicare cung cấp cho công dân Úc. Thêm vào đó, OSHC còn bao gồm quyền sử dụng một số bênh viện tư, dịch vụ giải phẫu nội trong một ngày, việc dùng xe cứu thương khi khẩn cấp và việc bồi hoàn tiền khi mua dược phẩm theo đơn của bác sĩ.

Dịch vụ trong bệnh viện – Bệnh viện công: OSHC sẽ chi trả 100% lệ phí trung tâm y tế công cộng tại Tiểu bang và Lãnh thổ ấn định cho các dịch vụ dành cho cho bệnh nhân không phải công dân Úc.

Dịch vụ trong bệnh viện – Bệnh viện tư nhân: OSHC sẽ chi trả 100% lệ phí tại các trung tâm y tế tại Tiểu bang và Lãnh thổ ấn định cho các dịch vụ dành cho cho bệnh nhân không phải công dân Úc. Tuy nhiên, nếu lệ phí tại bệnh viên tư nhân cao hơn lệ phí do các cơ quan hữu trách quy định thì bạn sẽ phải trả số tiền chênh lệch.

Dịch vụ ngoài bệnh viện: OSHC sẽ trả cho bạn 85% lệ phí tiêu biểu cho tất cả các dịch vụ ngoài bệnh viện 

( lệ phí tiêu biểu là lệ phí do chính phủ Úc ấn định – MBS). Nếu các dịch vụ tính tiền cao hơn MBS, bạn sẽ phải trả 15% lệ phí tiêu biểu và số tiền chênh lệch giữa hóa đơn và MBS.

Dược phẩm có đơn bác sĩ: Bạn sẽ phải trả 32,90 đô-la cho mỗi đơn thuốc, phần chênh lệch giữa 32,90 đô-la và tiền mua thuốc sẽ được OSHC chi trả (tối đa 50 đô-la)

Những dịch vụ khác: Lệ phí phẫu thuật cấy bộ phận giả (theo danh sách của Bộ Y tế Úc) và trường hợp dùng xe cứu thương khi bắt buộc phải dùng để nhập viện hoặc dùng để điều trị khẩn cấp sẽ được OSHC chi trả 100% (theo lệ phí do các cơ quan hữu trách về y tế tại Tiểu bang và Lãnh thổ ấn định cho các dịch vụ dành cho cho bệnh nhân không phải công dân Úc)

Những dịch vụ không được bảo hiểm?

–         Những dịch vụ do các chuyên gia trị liệu cung cấp theo phương pháp thiên nhiên hoặc bất kỳ dịch vụ đi kèm.

–         Các chi phí về răng hoặc mắt

–         Dược phẩm không có đơn của bác sĩ hoặc không có trong Chương trình tài trợ dược phẩm của Chính phủ Úc

–         Các dịch vụ y tế hoặc bệnh viện cần thực hiện nhưng nằm trong danh sách những khoản ngoại trừ tổng quát.

Mua OSHC như thế nào?

Hiện tại, 5 quỹ bảo hiểm tại Úc đã ký các điều khoản cung cấp bảo hiểm OSHC cho du học sinh là:

– Australian Health Management

– Allianz Global Assistance (nhà thầu phụ là Peoplecare Health)

– BUPA Australia

– Medibank Private

– nib

Sinh viên có thể tự mình mua bảo hiểm online qua website của nhà cung cấp hoặc mua qua trường học (đa phần du học sinh chọn cách này). Nếu tự mua, bạn cần biết số chính sách (policy number) để đưa vào đơn xin visa. Còn nếu mua OSHC qua nhà trường, sinh viên phải nắm rõ tên của nhà cung cấp bảo hiểm, ngày bảo hiểm có hiệu lực và điều khoản sử dụng. 

Để so sánh giá cả của từng loại bảo hiểm dựa trên thời gian học tại Úc, du học sinh có thể truy cập trang web https://oshcaustralia.com.au.

Nhức nhối kết hôn giả ở Úc

Cuối tháng 6, tại Cabramatta, một khu vực ngoại ô cách trung tâm thành phố Sydney (Úc) khoảng 30km về phía tây, tôi gặp Nguyễn Thu Hương (32 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi), người trở thành công dân Úc cách đây hơn 4 năm nhờ… kết hôn giả.

Đã sắp xếp hẹn từ trước, tôi gặp Hương ở một nhà hàng Việt tại Cabramatta. Không khó nhận ra đây là một khu người Việt vì có rất nhiều bảng hiệu bằng tiếng Việt và nhiều người dùng tiếng Việt trao đổi rôm rả với nhau. Hương đang làm nghề nail ở trung tâm Sydney.

Chuyện từ người trong cuộc

Hương đặt chân đến nước Úc theo diện du học sinh cách đây 8 năm và xác định ngay từ đầu là tìm cách trở thành công dân Úc để có cuộc sống ổn định và nhận được những phúc lợi của Chính phủ Úc, sau đó tìm cách bảo lãnh người thân ở Việt Nam sang. 

Ở quê nhà, bạn trai cô vẫn đợi cô.

Thông qua sự giới thiệu của bạn bè ở Úc, Hương tìm được mối làm “chồng”, đó là một người Úc bản xứ với cái giá 60.000 đôla Úc (AUD). Hương nhờ các luật sư gốc Việt tư vấn hồ sơ nộp cho cơ quan di trú của Úc. 

“Ở đây có luật bất thành văn là nếu anh nhờ luật sư tư vấn làm hồ sơ di dân theo diện kết hôn, tuyệt đối không được nói kết hôn giả vì luật sư lo ngại có thể bị lộ và bị điều tra” – cô nói. 

Để chuẩn bị hồ sơ, Hương và “chồng” đã đi chụp ảnh cưới nhiều nơi, thuê hẳn một công ty dịch vụ tổ chức tiệc cưới chuyên nghiệp cùng khách mời dự đám cưới là người Việt và người Úc.

Hương cho biết theo quy định ở Úc, nộp hồ sơ di trú theo diện kết hôn không cần phải đi phỏng vấn trực tiếp, chỉ cần viết một bản tường trình thật đầy đủ, tức là một hồ sơ đẹp để qua mắt cơ quan di trú. 

Chẳng hạn, trong bản tường trình, hai người sẽ nói rõ quen nhau khi nào, cầu hôn ra sao, mối quan hệ chung với bạn bè hai bên, thư từ qua lại, những hình ảnh hẹn hò, đồ đạc chung trong nhà, tài khoản ngân hàng chung, những giấy tờ, hóa đơn…

Nếu hồ sơ không đủ sức thuyết phục, lúc đó cơ quan di trú sẽ phỏng vấn qua điện thoại hoặc đến địa chỉ nhà mà cả hai đăng ký để kiểm tra đột xuất.

Hồ sơ của Hương được duyệt nhanh chóng. Cô lần lượt được cấp thẻ tạm trú, thường trú, và cách đây hơn 4 năm đã trở thành công dân Úc. 

Cách đây hơn 2 năm, sau khi ly dị “chồng”, Hương đã về Việt Nam kết hôn với bạn trai lâu năm. Người bạn trai này cũng đã sang Úc đoàn tụ với cô theo diện kết hôn thật.

Úc trừng phạt tội kết hôn giả thế nào?

Theo trang Visa Solutions, nếu nhà chức trách phát hiện một cuộc hôn nhân là giả, cả chồng và vợ đều đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng. Người nhập cư sẽ bị trục xuất về nước và bị tịch thu visa.

Họ cũng bị liệt vào danh sách “đen” và không còn cơ hội trở lại Úc sau đó. Họ cũng có thể đối mặt với các hình phạt và khoản tiền phạt hình sự lên tới 300.000 AUD cùng một thời hạn tù nhất định.

Nhân viên cơ quan di trú có thể tiến hành kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào và có một loạt biện pháp khác nhau để phát hiện hôn nhân giả.

Vào bất cứ giai đoạn nào họ cũng có thể yêu cầu nộp bổ sung giấy tờ và tiến hành thẩm vấn sâu hai vợ chồng. Họ cũng có thể tới nhà, nói chuyện với bạn bè hay người chủ nơi làm việc của cặp vợ chồng đó.

Xét duyệt gắt gao hơn

Theo Hương, gần đây các cơ quan chức năng Úc đã siết chặt quy định di trú và cẩn trọng hơn trong việc xét duyệt hồ sơ để tránh trường hợp kết hôn giả nhằm trục lợi những chính sách an sinh xã hội rất tốt của nước này.

“Bây giờ họ kéo dài thời gian xét duyệt hồ sơ. Ví dụ như họ thường ngâm hồ sơ di trú theo diện kết hôn đến 1 năm, 2 năm. Trong thời gian đó, nếu những cặp đôi này không có con, họ có thể đặt nghi vấn kết hôn giả và kiểm tra” – Hương chia sẻ.

Nguồn: Tuổi trẻ Online

Sốc văn hóa khi du học Australia

Một trong những thách thức phần lớn du học sinh gặp phải là shock văn hóa, gây mất phương hướng, nhớ nhà, khó khăn khi thích nghi với phong cách sống mới. Bài viết này sẽ giúp bạn bỏ túi những hành trang đương đầu với shock văn hóa và biến quãng thời gian du học của bạn trở nên đáng nhớ nhất.

Hầu hết các bạn du học sinh đều phải trải qua 4 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Khám phá

Đây là giai đoạn bạn nhìn thế giới bằng cặp mắt kính màu hồng. Chưa có bất kì biểu hiện nào của sự ” sốc văn hoá” trong giai đoạn này. Bạn sẽ vô cùng hào hứng cho chuyến đi. Mọi thứ thật tuyệt vời, đẹp đẽ và bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng để sẵn sàng khám phá, học hỏi những điều thú vị đang diễn ra. Giai đoạn quá tuyệt vời với tất cả mọi thứ.

Giai đoạn 2: Sốc

Sau khoảng thời gian khám phá nhiều điều thú vị, mới mẻ trên đất nước Anh xinh dẹp, bạn sẽ chuyển tiếp sang giai đoạn nghiêm trọng dễ gây “sốc” nhất. Thói quen sinh hoạt, giờ giấc, khác biệt văn hóa, áp lực học tập đè nén dễ khiến cho bạn cảm thấy choáng ngợp và muốn bỏ cuộc. Đây là giai đoạn cực kì khó khăn đòi hỏi bạn phải có tính bền bỉ cùng ý chí kiên cường để vượt qua.

Giai đoạn 3: Thích nghi và tồn tại

Đây là giai đoạn bạn đã quen và thích nghi dần với văn hóa, giờ giấc và các phong tục tập quán tại Anh. Cảm giác lạc lõng vơi dần vì bạn đã biết điều chỉnh bản thân để phù hợp hơn với môi trường sống và học tập tại Anh.

Từng học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria (Melbourne, Australia), hiện làm việc cho chính phủ Australia, chị Trương Nguyễn Thoại Giang chia sẻ trải nghiệm khi làm quen với văn hóa nơi

  • Phớt Ăng-lê

Học kỳ một năm nhất, ngày đầu tiên lên giảng đường, tôi ngồi cạnh một bạn người Australia. Thấy bạn thân thiện, tôi bắt chuyện làm quen. Rất may bạn ấy cùng lớp thực hành (tutorial) với tôi nên khi thành lập nhóm tôi liền bắt cặp. Chúng tôi như cặp bài trùng, cùng học, trao đổi, phân chia làm bài tập lớn (assignment) rất ăn ý, nhịp nhàng. Tôi tính toán, còn bạn ấy viết.

Có hôm thư viện trường đại học đóng cửa, chúng tôi phải đến thư viện địa phương để làm cho xong. Cả hai gắn bó với nhau suốt 13 tuần, rồi thi cử, chia tay và hẹn sớm gặp lại. Vậy mà học kỳ sau khi không còn học cùng môn (subject) nữa, gặp lại nhau trong khuôn viên trường, trong khi tôi tay bắt mặt mừng thì bạn ấy xem tôi như người xa lạ, làm tôi chưng hửng.

Đến học kỳ hai, nhờ kết quả tốt môn kế toán cơ bản, tôi được trường phân công dạy kèm (mentor) cho sinh viên khóa sau. Chỉ là công việc tình nguyện, nhưng sinh viên nào cũng ao ước được một suất để đánh bóng hồ sơ xin việc trong tương lai. Mỗi tuần tôi dành một tiếng đến lớp giúp các bạn khóa sau giải bài tập. Trước đó, tôi phải dành ra thêm ít nhất một tiếng nữa để chuẩn bị.

Tôi rất tự hào về công việc nên luôn nhiệt tình hướng dẫn, kiên nhẫn giảng giải cho sinh viên khóa sau. Hôm nào các bạn ấy cũng cảm ơn rối rít làm tôi quên hết mệt nhọc. Không ngờ thi xong, học kỳ sau gặp lại trong sân trường, 10 bạn thì hết 9 bạn phớt lờ, coi như chưa hề quen biết tôi. Người bạn thứ 10 cũng chào hỏi nhưng hời hợt cho có lệ. Có người thấy tôi từ xa, nhưng nhìn thẳng xem như tôi không hiện hữu. Họ tiết kiệm từng cái nhìn, nụ cười, cái gật đầu.

“Tiên học lễ, hậu học văn” hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” dường như không có ở xứ này. Tôi rút kinh nghiệm, lúc chung nhóm dù thân thiết, qua lại giúp đỡ lẫn nhau nhiều bao nhiêu thì khi thi xong đường ai nấy đi, Facebook, điện thoại liên lạc cũng xóa sạch. Học đại học ở Australia 4 năm và sau đại học 1,5 năm, nhưng bây giờ nghĩ lại tôi chẳng có một người bạn lâu hơn một học kỳ. Có lẽ các bạn ấy không nhớ nổi tên tôi thì làm gì có chuyện họp mặt 20 năm nhớ lại những “ngày xưa thân ái” như ở Việt Nam. Ở Australia, chỉ có “tình bạn học kỳ”.

  • Sòng phẳng đến từng chi tiết nhỏ

Có lần một bạn học cùng khóa cần photo tờ tài liệu A4 mà quên thẻ sinh viên, nên mượn thẻ của tôi. Xong việc bạn ấy nhất quyết trả cho tôi 50 xu mặc dù tôi nói không cần, có đáng bao nhiêu. Làm việc nhóm cũng vậy, mua cuộn băng keo hết $1 thì chia ra 4 người mỗi người đóng đủ 25 xu.

Tôi còn nhớ hôm sinh nhật của một bạn trong nhóm, bữa trước bạn ấy dặn cả nhóm đừng mang đồ ăn trưa theo, mình đi ăn cùng nhau. Tôi đinh ninh được đãi sinh nhật, không ngờ vào quán mạnh ai nấy gọi món. Chỉ là ngồi chung, tán gẫu với nhau, nhưng đồ ai nấy ăn, nước ai nấy uống, và dĩ nhiên tiền ai nấy trả. Người Australia đã hiểu quy luật “go Dutch” này từ lúc nhỏ, không ai phiền ai.

Thời gian đầu, tôi vẫn quen trưa mang theo một hộp cơm to trong khi mấy bạn sinh viên Australia chỉ ăn trưa với một trái táo hay một miếng sandwich bé kẹp cà chua và phô mai. Một bữa làm biếng chán cơm, tôi cũng bắt chước ăn trưa một trái táo. Kết quả là cả chiều hôm đó vào lớp tôi đói hoa cả mắt, ù cả tai trong khi mấy bạn Australia vẫn ung dung tự tại.

Những lúc học nhóm, tôi thường đem theo đồ ăn chơi, ví dụ một bịch nho và thay vì “ăn một mình đau tức” tôi hay mời cả nhóm cùng ăn. Mấy bạn Australia không khách sáo, hưởng ứng rất nhiệt tình. Ngược lại khi các bạn ấy mang theo đồ ăn, thường có thói quen chỉ đem đủ một phần, ví dụ một thỏi chocolate nhỏ, nên các bạn ấy ăn một mình chẳng mời ai.

Để sớm vượt qua “Sốc văn hoá” khi đến sống và học tập ở nước ngoài, những du học sinh cần tìm hiểu trước thật kỹ về văn hoá của đất nước mà mình sắp đến.

+ Các tổ chức đưa học sinh du học hay tổ chức nhận nhập cư thường tổ chức các khoá học định hướng văn hoá nhằm giúp những du học sinh tìm hiểu về đất nước, con người và tập quán của người bản xứ. Dù vậy, những điều thu nhận từ các khoá học định hướng văn hoá vẫn chưa đủ, du học sinh cần tìm hiểu thêm qua những người đã từng sinh sống và học tập ở đất nước đó.

  • Một nguồn thông tin khác là từ Internet hay sách báo khác. Càng hiểu kỹ về văn hoá nước sở tại thì mức độ và thời gian “sốc văn hoá” sẽ giảm đi rất nhiều và khả năng thích nghi sẽ nhanh hơn.
  • Tốt nhất trước khi đi du học bạn nên học tiếng anh và những cách dùng tiếng anh như người bản xứ nước bạn du học tráng bất đồng ngôn ngữ. Chuẩn bị thật tốt về ngôn ngữ để có thể giao tiếp tốt với người bản ngữ để tránh sự hiểu lầm do diễn đạt sai hay sự bực tức do không thể diễn đạt đúng ý nghĩ của mình bằng tiếng bản xứ.

Sốc văn hóa khi chuyển đến một môi trường hoàn toàn mới lạ là điều hiển nhiên, ai cũng phải trải qua. Tùy vào tính cách và hoàn cảnh của mỗi người mà tình trạng sốc kéo dài bao lâu, nặng hay nhẹ. Sốc văn hóa chẳng có gì ghê gớm nếu chúng ta suy nghĩ cởi mở, không bảo thủ, chấp nhận sự khác biệt thì sẽ nhanh chóng thích nghi.

Những kinh nghiệm để đạt kết quả tốt khi du học

Học tập tại một đất nước xa lạ chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với các bạn sinh viên. Bạn sẽ phải thực sự nỗ lực để có thể làm quen và hòa nhập vào một môi trường sống và học tập hoàn toàn mới. Thử thách lớn nhất của các bạn sinh viên Việt Nam khi học tập ở nước ngoài đó là làm quen với những phương pháp giảng dạy và học tập hoàn toàn mới. 

Chị Nguyễn Thoại Giang, từng học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria (Melbourne, Australia), hiện làm việc cho chính phủ Australia, chia sẻ kinh nghiệm với VnExpress về việc học tập tại nơi này. 

Tại Asutralia một năm học ở đại học có hai học kỳ, mỗi học kỳ có 13 tuần, giữa học kỳ được nghỉ một tuần. Vì thế mỗi học kỳ thật sự là một cuộc đua nước rút ngay từ vạch xuất phát. Thêm vào đó sinh viên quốc tế bắt buộc phải học toàn thời gian tức là phải lấy ít nhất 4 môn (subject) trong một học kỳ. Trong 13 tuần của học kỳ, quan trọng nhất là tuần cuối khi giảng viên ôn bài và dặn dò sinh viên những điều cần nắm bắt trước khi thi.

Quá trình đánh giá kết quả học tập gồm có ba phần. Bài kiểm tra trong lớp ở tuần thứ 5 chiếm khoảng 20% tổng số điểm, bài tập lớn (assignment) về nhà 30% nộp vào tuần thứ 9 và thi cuối học kỳ 50%. Trong buổi lên lớp đầu tiên, giảng viên sẽ thông báo cho sinh viên chương trình học trong toàn học kỳ thông qua bảng hướng dẫn chung (study guide).

Nhất thiết bạn phải có giáo trình (text book), sách tham khảo, những bài báo chuyên ngành (journal) để làm bài tập lớn, yêu cầu của môn học, chương trình học và hành mỗi tuần, nội dung bài kiểm tra, đề tài bài tập lớn cho cá nhân hay nhóm (khoảng 4 sinh viên), tỷ lệ đậu rớt, bao nhiêu phần trăm sinh viên trong quá khứ đạt loại xuất sắc, giỏi. Giáo trình là quyển sách gối đầu giường sinh viên nên mua, còn những quyển sách tham khảo khác không sử dụng nhiều có thể mượn ở thư viện trường.

Chương trình học trong một tuần

Bạn phải dành hai giờ một tuần cho mỗi môn học để lên giảng đường nghe giảng bài (với hàng trăm sinh viên) và một giờ thực hành ôn bài, làm bài tập (tutorial) với khoảng 20 sinh viên dưới sự hướng dẫn của thầy/cô trợ giảng (thường là sinh viên mới ra trường). Thời gian tiếp xúc giữa giảng viên và sinh viên chỉ có ba giờ. Sinh viên được yêu cầu phải dành ra thêm ít nhất 9 giờ mỗi tuần tự học.

Trước khi tới giảng đường, sinh viên được yêu cầu phải đọc 1-2 chương giáo trình và bài giảng (lecture note). Có như vậy sinh viên mới nắm bắt được thông tin khi lên lớp vì lượng kiến thức giảng viên truyền đạt trong hai giờ rất nhiều.

Phương pháp giảng dạy và học tập ở đây không phải là thầy đọc, trò chép như ở đại học Việt Nam. Bạn chỉ cần in bài giảng để tiện theo dõi và ghi chú thêm. Nên chọn ngồi hàng ghế đầu để dễ tiếp cận với giảng viên. Xen kẽ trong bài học, giảng viên đôi khi đề cập đến những vấn đề sẽ xuất hiện trong đề thi nên bạn cần tập trung nghe để không bỏ sót thông tin quan trọng. Nếu vì lý do nào đó mà bạn bỗng nhiên lơ đãng không theo kịp thì vẫn có thể nghe lại sau buổi học, vì các bài giảng đều có thu âm.

Bạn nên đến lớp trước vài phút để không cập rập và làm phiền giảng viên hay các sinh viên khác. Trước khi đến lớp thực hành, sinh viên được yêu cầu phải chuẩn bị hoặc giải trước bài tập. Thầy/cô trợ giảng không đưa ra đáp án mà chỉ giải đáp gút mắc và hỗ trợ sinh viên tự tìm ra lời giải.

Ngoài giờ lên lớp, giảng viên cũng bố trí khoảng hai giờ mỗi tuần để hỗ trợ (consulting) sinh viên theo lịch hẹn. Bạn nên tranh thủ đến gặp giảng viên để được giải thích cặn kẽ những điều chưa thông suốt. Tuy nhiên, nếu bạn có điều gì chưa rõ thì cũng có thể đặt câu hỏi ngắn với giảng viên ngay trong lớp học hoặc cuối giờ. Giảng viên thường sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho sinh viên vào bất cứ dịp nào nếu thuận tiện.

Bài kiểm tra

Bài kiểm tra trong lớp thường chỉ gồm kiến thức trong bốn tuần đầu, lúc này số lượng bài vở ít và đơn giản cho nên bạn hãy cố gắng lấy được điểm tối đa. Vì càng vào sau, bạn sẽ nhận thấy lượng kiến thức phải thu nhập càng nhiều và phức tạp.

Bài tập lớn thường gặp là bài luận (essay) dài 3.000 chữ. Để được điểm cao, bạn bắt buộc phải dẫn chứng vài quyển sách và ít nhất 6 bài báo chuyên ngành. Một nửa những sách và bài báo này nên lấy từ danh sách tham khảo của giảng viên, còn một nửa bạn cũng nên tự tìm tòi để chứng tỏ cho giảng viên thấy là bạn có khả năng tự nghiên cứu.

Trước tiên, bạn phải phân tích kỹ đề bài để hiểu rõ yêu cầu, sau đó nên tham khảo sách, báo, viết ra dàn bài gồm những ý chính rồi gặp riêng giảng viên hay trợ giảng để xem bạn đi đúng hướng chưa trước khi bắt đầu viết. Điều này rất quan trọng vì nhiều bạn chưa quen viết luận văn có khuynh hướng lạc đề hay xoáy sâu vào vấn đề mình hiểu hơn là đặt trọng tâm vào trả lời câu hỏi chính.

Khi viết bạn không cần nắn nót từng câu từng chữ mà hãy viết tất cả những gì có thể nghĩ ra nhanh nhất, thêm vào nội dung những ý tứ lượm lặt trong sách tham khảo hay các bài báo chuyên ngành. Bạn nhớ là không bê nguyên xi các đoạn văn mà phải hiểu ý của tác giả và viết lại bằng lời văn của chính bạn và bắt buộc phải có nguồn trích dẫn (reference).

Sau đó bạn có thể sắp xếp và gọt giũa lại. Khi hoàn tất, bạn nên nhờ ai đó đọc và sửa tiếng Anh, rồi gửi cho giảng viên hay trợ giảng nhờ góp ý và sửa chữa lần cuối trước khi chính thức nộp bài.

Chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ

Bạn tuyệt đối không nên bỏ buổi học nào dù là bài giảng hay bài tập. Quan trọng nhất là tuần thứ 13 khi giảng viên ôn bài và dặn dò sinh viên những điều cần nắm bắt trước khi thi. Buổi ôn bài này thường không được ghi âm. Tuy nhiên, bạn không nên đợi tới phút thứ 89 mà nên chuẩn bị cho kỳ thi cuối môn học từ tuần đầu tiên bằng cách tải bài thi của những năm trước để “gặm nhấm” dần. Những đề thi này có kèm theo giải đáp là một tài liệu hữu ích trong suốt học kỳ.

Bạn có 2 tuần để ôn thi. Thời gian này nếu còn điều gì chưa rõ bạn vẫn có thể email hỏi hoặc hẹn gặp giảng viên.

Học nhóm

Đừng e ngại giao lưu với sinh viên cùng lớp để trao đổi khi có thắc mắc liên quan đến trường lớp. Học thầy không bằng học bạn, nhưng hãy chọn bạn mà chơi bằng cách “nhìn mặt mà bắt hình dong”, chọn sinh viên cần cù, thông minh, giỏi tiếng Anh để kết bạn. Khi cần làm việc nhóm hãy mạnh dạn thành lập nhóm gồm những sinh viên bạn đã “chấm” để có khởi đầu thuận lợi.

Học nhóm, trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp bạn tự tin và đạt được kết quả tốt hơn so với tự học. Trường đại học Australia có những chương trình hỗ trợ sinh viên về học thuật, ví dụ hướng dẫn cách làm bài tập lớn hay viết bài luận phù hợp với yêu cầu của trường và các chuyên ngành khác nhau như kinh doanh, luật hay khoa học.

Các trường cũng chỉ dẫn (1) cách phân tích đề bài để không bị lạc đề, (2) cách viết mở bài và kết luận hiệu quả, (3) cách ghi trích dẫn và viết lại (paraphrase) để tránh mắc lỗi đạo văn, (4) cách viết câu rõ ràng và các từ ngữ dùng trong văn viết và (5) cách đọc hiệu quả.

Khi có quá nhiều tài liệu cần xử lý bạn nên đọc lướt qua để nắm ý chính, sau đó nếu có thời gian hãy đọc lại, phần nào quan trọng nên đọc kỹ và đánh dấu. Bạn cũng nên đến gặp thủ thư và nhờ họ tư vấn các trang mạng (website), công cụ tra cứu giúp bạn tìm kiếm nguồn tư liệu đáng tin cậy cho bài làm của mình.

Ngoài ra, bạn nên tham gia các buổi hội thảo về phong cách học hành của những sinh viên đạt kết quả cao, cách quản lý thời gian dành cho sinh viên bận rộn hay kỹ năng thuyết trình trước lớp. Bạn cũng nên tìm hiểu về các câu lạc bộ thể thao hoặc sở thích ở trường để có cơ hội gặp gỡ, kết bạn, chơi thể thao, và thực hành tiếng Anh. Sau này cho dù bạn có làm bất cứ công việc gì thì khả năng đọc nhanh, tra cứu thông tin, phân tích vấn đề, viết, thuyết trình đều rất cần thiết.

Kết luận

Vì có sự khác biệt lớn trong cách học ở đại học so với phổ thông, hoặc đại học Australia so với Việt Nam, bạn phải nỗ lực ngay từ đầu. Các tân sinh viên được khuyên là hãy luôn chủ động và tự chịu trách nhiệm trong việc học tập của mình.

Đừng bao giờ nghĩ đến việc “mua” bài luận hay nhờ người khác thi dùm. Làm như vậy là bạn sẽ đánh mất cơ hội thực hành để chuẩn bị cho những cuộc tỉ thí quan trọng hơn trong tương lai như phỏng vấn xin việc làm. Nhưng hậu quả trước mắt của gian dối trong học tập và thi cử là bạn có thể bị đuổi học, bị hủy visa, thậm chí bị thu hồi học vị nếu bị phát hiện mua bài sau này.

Từ 1/7/2019: Mức lương tối thiểu tăng 3% tại Úc

0

Khoảng 2.2 triệu công nhân Úc đang nhận mức lương thấp nhất sẽ có thêm $21.60 đôla mỗi tuần kể từ 1 tháng Bảy theo sau quyết định tăng 3% mức lương tối thiểu quốc gia của Ủy hội Công bằng Nơi làm việc mới công bố.

Những người lao động đang nhận mức lương thấp nhất ở Úc sẽ được tăng lương $21,60 đôla một tuần, ít hơn so với mức tăng năm ngoái, nhưng nhiều hơn các nhóm nhân dụng đã tranh cãi.

Mức lương tối thiểu quốc gia sẽ tăng 3%, lên $740.80 đô la một tuần hay $19.49 một giờ, kể từ ngày 1 tháng 7, Ủy hội Công bằng Nơi làm việc – Fair Work Commission (FWC) công bố hôm nay, thứ Năm 30 tháng Năm 2019.

Các nghiệp đoàn đã kêu gọi nâng mức lương tối thiểu lên 6%, tức khoảng $43 đô la một tuần, trong khi các nhóm nhân dụng tranh cãi mức tăng lương khiêm tốn hơn, chỉ lên đến 2%.

“Chúng tôi đã quyết định năm nay tăng lương thấp hơn so với mức tăng năm ngoái,” Chủ tịch Ủy hội Công bằng Nơi làm việc Iain Ross tuyên bố.

Trong khi ghi nhận sự chậm lại trong tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội hàng quý gần đây, nền kinh tế đã hoạt động tương đối tốt và việc làm được mở rộng, trong khi lạm phát đã bị kiềm lại.

“Chúng tôi hài lòng rằng mức tăng mà chúng tôi đã quyết định sẽ không dẫn đến bất kỳ kết quả lạm phát bất lợi nào, và cũng sẽ không có tác động tiêu cực có thể đo lường được đối với việc làm,” ông Ross nói.

“Tuy nhiên, mức tăng như vậy sẽ có nghĩa là có sự cải thiện tiền lương thực tế cho những nhân viên phụ thuộc vào mức lương tối thiểu quốc gia và mức lương tối thiểu trong các quy chế lao động hiện đại, và cải thiện mức sống cho họ.”

Tổng trưởng Tư pháp cũng là Bộ trưởng Quan hệ Kỹ nghệ Christian Porter hoan nghênh việc tăng lương này.“Dưới thời chính phủ Liên đảng, tiền lương tối thiểu đã tăng tích lũy được 6.9%,” ông Porter nói.

Quyết định của Ủy hội Công bằng Nơi làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến 2.2 triệu lao động ở Úc đang làm việc nhận mức lương thấp nhất.

Mức lương tối thiểu quốc gia hiện ở mức $719.20 một tuần. Năm ngoái Ủy hội Công bằng Nơi làm việc đồng ý tăng 3.5%, tương đương với $24.30 mỗi tuần.

Ủy hội Công bằng Nơi làm việc lưu ý rằng phụ nữ vẫn không được đại diện tương xứng giữa các công nhân về mức lương tối thiểu.

“Sự gia tăng của mức lương tối thiểu quốc gia và mức lương tối thiểu trong các quy chế lao động hiện đại sẽ giúp giảm khoảng cách về giới,” quyết định của Ủy hội cho biết.

Theo SBS

Mức lương tối thiểu: Hiểu thế nào cho đúng

0

Ở Úc có những quy định về mức lương tối thiểu mà các doanh nghiệp phải áp dụng khi thuê mướn nhân viên. Liệu mức lương của bạn có đúng với quy định không? Bạn có biết một công cụ có thể tính chính xác mức lương của mình?

Hiện tại, Úc quy định mức lương tối thiểu là 18,29 đô la mỗi giờ, khoảng 695 đô la mỗi tuần trước thuế. Chủ lao động không được trả lương thấp hơn mức quy định kể trên dưới bất cứ hình thức nào.

Bao nhiêu là đúng quy định?

Có một vài yếu tố ảnh hưởng đến tiền lương mỗi người. Tùy thuộc vào thời gian, độ tuổi mà mức lương sẽ khác nhau. Nếu bạn làm việc ban đêm, cuối tuần, hay ngày lễ, chắc chắn bạn sẽ được trả nhiều hơn so với ngày giờ làm việc cơ bản. Thông tin chi tiết sẽ được cung cấp ở trang mạng của Ủy ban Công bằng Việc làm.

Bên cạnh đó, ở mỗi ngành nghề còn có quy định tiền lương khác nhau, và chế độ phụ cấp khác nhau.

Về chính sách nhân viên, Úc quy định một số hợp đồng như toàn thời (full time), bán thời (part time), hay phù động (casual)…  Lưu ý nếu bạn làm casual thì mức lương của bạn sẽ được cộng thêm 25%, so với mức lương cơ bản.

Ví dụ nếu người làm full time là $20/h, thì người làm casual sẽ nhận được $25/h. 25% là số tiền bù đắp cho những phúc lợi mà bạn không được hưởng so với người làm full time, chẳng hạn như số ngày nghỉ phép hàng năm, hoặc nghỉ phép theo thâm niên. Thông tin thêm tại địa chỉ Fairwork Australia.

Công cụ tính tiền lương

Bạn có thể sử dụng công cụ của Ủy ban Công bằng Việc làm để tính xem mình được trả lương theo đúng quy định của Úc hay chưa. Hãy vào trang mạng calculate.fairwork.gov.au, và trả lời vài câu hỏi, bạn sẽ tìm thấy mức lương thấp nhất của mình.

Ai dễ bị trả lương thấp?

Giảng viên cao cấp thuộc khoa Luật, Đại học Sydney, bà Laurie Berg đã tiến hành khảo sát về những bất công trong việc trả lương nhân viên. Xem chi tiết báo cáo tại đây.

Kết quả cho thấy, du học sinh và khách du lịch là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi về lương bổng, ở nhiều ngành nghề và quốc tịch. Trao đổi với SBS, bà Laurie cho biết thêm: “Trong ba sinh viên thì có một sinh viên được trả lương chỉ bằng một nửa so với mức lương tối thiểu. Rất nhiều sinh viên phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ, thậm chí là cưỡng bức lao động”.

Đặc biệt, trong một số ngành nghề như khách sạn nhà hàng, hái trái cây và rau củ, tình trạng bốc lột lao động xảy ra nhiều hơn so với những ngành nghề khác.

Cũng theo bà Laurie, công nhân một số nước Á châu như Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đang nhận đồng lương thấp hơn so với công nhân đến từ các nước Bắc Mỹ, Ireland và Anh.

Khảo sát cho thấy, một trong năm người Mỹ, Anh, Ấn Độ, Brazin và Trung Quốc  kiếm khoảng một nữa mức lương tối thiểu. Trong khi người đến từ những nước khác được trả lương còn thấp hơn mức trên.

Trợ giúp pháp lý

Trang mạng của Ủy ban Công bằng Việc làm là nơi chứa nhiều thông tin về quy định tiền lương, quyền lợi người lao động, nghỉ phép…, với 40 ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, bạn có thể gọi điện trự tiếp đến số 13 13 94 để được tư vấn miễn phí, và có sẵn dịch vụ thông dịch viên.

Trong trường hợp phát hiện những vi phạm nơi làm việc, bạn có thể báo cáo ẩn danh tại đây. Điều quan trọng là visa của bạn sẽ không bị ảnh hưởng trong trường hợp bạn đứng ra khiếu nại.

Giám đốc truyền thông Ủy ban Công bằng Việc làm Mark Lee khẳng định rằng, giữa Ủy ban và Bộ Di trú đã có cam kết về việc này. Do đó, những người đứng ra báo cáo sẽ được bảo vệ trước pháp luật, cũng như bảo đảm an toàn cho chiếu kháng của họ.

Theo SBS